Tỉnh táo nhận diện và phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng
Phòng, chống tham nhũng là vấn đề cấp bách, quan trọng và là công việc lâu dài trong cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với tinh thần kiên quyết đấu tranh “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, Đảng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ, hạ bệ uy tín của Đảng, hòng làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Trước những luận điệu của các đối tượng chống phá, chúng ta cần tỉnh táo nhận diện những thủ đoạn chia rẽ đó. Đồng thời, hiểu rõ các căn cứ xác thực về lý luận và thực tiễn để phản bác, bác bỏ những thông tin, luận điệu sai trái của kẻ thù.
anh tin bai
Công cuộc phòng, chống tham nhũng là cấp bách và quan trọng của Đảng

 

    Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, vấn đề phòng, chống tham nhũng luôn là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách bậc nhất với mục đích làm trong sạch bộ máy nhà nước, loại trừ ra khỏi hệ thống chính trị những phần tử thoái hóa biến chất không xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, của Đảng và Nhà nước. Vấn đề phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã được đặt ra từ rất sớm, ngay khi đất nước mới ra đời còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 64/SL ngày 23/11/1945 Ban hành về việc thành lập Ban thanh tra đặc biệt, với chức năng hết sức rõ ràng, đó là giám sát, kiểm soát hoạt động của cơ quan chính quyền và nhân viên Nhà nước. Sau đó một năm, Người tiếp tục ký ban hành sắc lệnh 223/SL ngày 27/11/1946 quy định về việc trừng trị đưa, nhận hối lộ, lạm dụng và biển thủ công quỹ. Sắc lệnh đưa ra các hình phạt rất nghiêm khắc, thể hiện sự quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng của Nhà nước đối với tội tham nhũng…Trong muôn vàn khó khăn và những việc cấp thiết phải thực hiện ở thời điểm đất nước mới giành được chính quyền, đang phải đấu tranh với rất nhiều kẻ thù dòm ngó bên ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định việc phòng, chống tham nhũng như một nhiệm vụ cần phải làm trước, phải làm ngay. Điều này cho thấy Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng, chống tham nhũng. Đến sau này, việc phòng chống tham nhũng được xác định như là một trong những vấn đề quan trọng quyết định sự sống còn của đất nước.

    Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham nhũng là một căn bệnh dưới cái tên “tham ô”, Người đã kết luận “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”[1]. Từ đó, xác định phòng chống tham nhũng cũng là một “cuộc chiến” mà cuộc chiến này còn khó khăn, gian lao hơn rất nhiều so với các cuộc đấu tranh với giặc ngoại xâm. Người coi “tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng” là “giặc nội xâm” là “kẻ địch trong người, trong nội bộ”[2] vô cùng nguy hiểm, sức công phá của loại “giặc” này cực kỳ to lớn về mọi mặt: nó không chỉ làm con người băng hoại đạo đức, sự liêm chính, mà tai hại hơn nó còn bào mòn lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, làm rối loại kỷ cương đất nước, đẩy quốc gia dân tộc vào con đường tiêu vong. Tiếp nối tư tưởng đó của Người, Đảng ta đã nhận thức rất rõ: tệ nạn tham nhũng chính là mối nguy cơ đe dọa sự tồn vong của một chế độ, một dân tộc. Đảng ta hết sức chú trọng vấn đề “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” trong đó có phòng, chống tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII đều đề cập đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, kiên quyết đấu tranh, diệt trừ “giặc nội xâm” để không làm phương hại đến hệ thống chính trị. Với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và toàn dân, chúng ta đã đạt được những thành quả nhất định, tuy nhiên Đảng ta xác định công cuộc phòng, chống tham nhũng là cả quá trình đòi hỏi sự kiên trì, kiên định.

    Trung ương Đảng xác định phải chủ động tấn công và tấn công quyết liệt, nghiêm minh và huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân nhằm nhổ tận gốc rễ tham nhũng. Đây là một bước đột phá quan trọng, một quy mô đấu tranh với “giặc nội xâm” lớn nhất từ trước đến nay. Một trong những điểm nhấn của hoạt động này là việc triển khai học tập nghiên cứu trên cả nước tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Với sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, hoạt động phòng, chống tham nhũng của Đảng ta diễn ra vô cùng mạnh mẽ và quyết liệt với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Sự ra đời của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (2/1013) là bước đột phá để công tác phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Giai đoạn 2021 – 2020: thi hành kỷ luật 131.000 đảng viên; chỉ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến tháng 12/2020: thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý[3]. Từ tháng 1/2021 đến tháng 11/2022 thi hành kỷ luật 69 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng[4]

    Công cuộc phòng, chống tham nhũng được nhân dân hết sức đồng tình và ủng hộ, nhờ đó uy tín của Đảng được củng cố, phát triển. Song song với các thành quả trên, Đảng ta phải đối diện với sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch. Chúng đưa ra những luận điệu xuyên tạc, trắng trợn và vô căn cứ, hòng làm lung lạc ý chí đấu tranh phòng, chống tham nhũng và làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trước những âm mưu, thủ đoạn thâm độc này, chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, đồng thời kiên quyết phản bác mạnh mẽ những luận điệu bóp méo sự thật, xuyên tạc vô căn cứ của những phần tử chống phá, các thế lực thù địch về công cuộc phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

    Nhận diện và phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng của Đảng

    Công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, bước đầu đã đạt được những thành tựu, làm thay đổi diện mạo hệ thống chính trị một cách tích cực. Kết quả đó đã dành được nhiều niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân trong nước. Nhiều nước trên thế giới đánh giá cao, có ấn tượng trước nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Ngược lại, các thế lực thù địch đã tìm đủ mọi cách bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng ta. Phần lớn, chúng đăng và đưa tin trên các trang mạng điển hình trong chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Một số luận điệu xuyên tạc được chúng đưa ra nhằm hạ uy tín của Đảng ta như sau:

    Thứ nhất: Luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, tham nhũng là đặc trưng, là hậu quả của chế độ xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa cộng sản mới sinh ra tham nhũng. Trên thực tế tham nhũng là mặt trái tồn tại song song với sự vận hành của nhà nước. Bất kể xã hội nào, hay nhà nước nào hình thành, nếu có quyền lực là có tham nhũng. Tham nhũng giống như đứa con “khiếm khuyết” được sinh ra từ khi có Nhà nước và quyền lực. Từ các nước nghèo như Sudan, Somanlia, Syria[5], vấn nạn tham nhũng đã để lại hệ lụy đất nước kiệt quệ, kinh tế suy thoái, an ninh, chính trị bất ổn. Tuy nhiên, ngay cả những nước phát triển hơn như Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với nạn tham nhũng. Điển hình là vụ bê bối của Tổng thống Park Geun - hye năm 2016. Mỹ là nước tư bản phát triển hàng đầu trên thế giới cũng vẫn xảy ra những vụ tham nhũng chấn động chính trường, như vụ Watergate đầu những năm 70, khiến Tổng thống Mỹ phải từ chức. Gần hơn là vụ tham nhũng của Bộ trưởng Bộ nội vụ Albert Fall có sự góp phần của Tổng thống Mỹ Warren G. Harding, năm 2009 tại bang New Jersey và New York, FBI đã bắt giữ 44 quan chức vì tham nhũng… Như vậy, chắc chắn rằng ở Việt Nam hay ở các nước khác trên thế giới, cho dù trong thể chế chính trị nào vẫn xảy ra nạn tham nhũng chứ không phải chỉ ở các nước xã hội chủ nghĩa giống như các thế lực phản động thì địch, bịa đặt nhằm bôi nhọ và hạ uy tín của Đảng ta.

    Thứ hai: Luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, tham nhũng là do chế độ độc tài một Đảng. Đây là luận điệu vô căn cứ, trắng trợn, nhằm hạ uy tín của Đảng. Đa nguyên, đa Đảng hay chế độ một Đảng duy nhất đó là do thể chế duy trì một đất nước chứ không mang tính quyết định nó có sinh ra vấn nạn tham nhũng hay không. Phải nhận thức một cách triệt để và rõ ràng: Nguồn gốc của tham nhũng chính là do tha hóa quyền lực. Một số nước đa Đảng, tham nhũng thậm chí còn nguy hiểm và trầm trọng hơn, như: Indonexia, Braxin, Clombia…Mục tiêu cao nhất trong chính trị của Việt Nam là do dân, vì dân, tuy nhiên khi sở hữu quyền lực việc một bộ phận đảng viên tha hóa dẫn đến tham nhũng là không tránh khỏi. Không đất nước nào có thể khẳng định hoàn toàn không có tham nhũng, bởi vì tham nhũng là mặt trái tồn tại song song với nhà nước và quyền lực. Nhưng việc thực thi công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ phụ thuộc năng lực của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam với những trang sử vẻ vang trong hơn 90 năm qua, với nhiều chiến công “chấn động địa cầu”, là chứng minh hùng hồn cho nội lực hoàn toàn có thể chiến thắng “giặc nội xâm” để đưa đất nước vươn lên những tầm cao mới.

    Thứ ba: Luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, tham nhũng là đấu đá, là thanh trừng nội bộ. Luận điệu thể hiện sự phiến diện và nghèo nàn về nhận thức chính trị của các thế lực thù địch. Các nước trên thế giới khi chống tham nhũng đều là thanh trừng nội bộ hay sao? Chống tham nhũng ở thể chế chính trị nào, thời đại nào cũng là công cuộc làm trong sạch bộ máy chính trị để có thể vận hành tốt hơn, đưa đất nước đạt được những thành tựu cao hơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”[6] . Việc Đảng ta đưa những tham quan ra ánh sáng của dư luận để xét xử, loại bỏ khỏi hệ thống chính trị đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chúng ta càng kiên quyết trong phòng chống tham nhũng càng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, ổn định và củng cố được lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân.

    Thứ tư: Luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, phòng, chống tham nhũng chỉ là “gõ trống khua chiêng”, là hô hào, hình thức. Cần phải khẳng định công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta là sự quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Việc phòng, chống tham nhũng diễn ra với từng bước tỉ mỉ, thận trọng và bài bản nhất. Công tác phòng chống tham nhũng được triển khai ở các cấp độ trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương với nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức hội nghị sinh hoạt chính trị về vấn đề đề phòng, chống tham nhũng; đưa các chỉ thị, văn bản về phòng chống tham nhũng vào đời sống một cách kịp thời. Gần đây Đảng ta đã đưa “Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực”; năm 2016 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 04/ NQ-TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí”… Với từng hoạt động và các nghị quyết triển khai sát sao đến các cấp thì không thể cho rằng đây là hô hào khẩu hiệu được, mà đây là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai sâu rộng thực tế và huy động được sự vào cuộc của tất cả bộ máy chính trị. Sự lan tỏa trong toàn dân và các kết quả đạt được trong đấu tranh phòng chống tham nhũng là minh chứng hùng hồn nhất, đủ sức mạnh đập tan luận điệu vu khống, bịa đặt rằng Đảng chỉ hô hào, hình thức trong phòng chống tham nhũng. Không chỉ triển khai dưới hình thức lý luận mà trong thực tiễn Đảng ta đã kiên quyết phòng chống tham nhũng với phương châm “không có vùng cấm, không ngoại lệ” đã đưa ra ánh sáng những vụ đại án tham nhũng, nhờ đó bồi đắp thêm lòng tin của nhân dân, khẳng định sự vững mạnh của Đảng.

    Thứ năm: Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, Đảng không đủ năng lực lãnh đạo nên xảy ra vấn nạn tham nhũng. Luận điệu này mang tính khích bác, hạ bệ đối với Đảng ta. Với thành quả lãnh đạo của Đảng trong hơn 90 năm qua, với những thành tựu rực rỡ đưa đất nước đạt đến cơ đồ, tiềm lực như ngày hôm nay, Đảng ta hoàn toàn có đủ khả năng, tiềm lực nội sinh để luôn luôn chiến thắng trước mọi thách thức. Không có một tổ chức chính trị nào không đủ năng lực mà lại chiến thắng mọi kẻ thù trong lịch sử. Có những thời điểm có thể chúng ta chững lại vì những tác động của bối cảnh, vì những thay đổi về mặt thể chế. Nhưng nội lực của Đảng đã được chứng minh trong thực tiễn, sức mạnh đó không chỉ được nhân dân trong nước tin tưởng mà còn được quốc tế ghi nhận và tôn trọng, khâm phục.

  Các hoạt động chống phá của của các thế lực thù địch, các đối tượng lưu vong, tha hóa sẽ không dừng lại mà sẽ vẫn tiếp tục, chắc chẵn sẽ ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn. Với mỗi người dân Việt Nam mà lực lượng tiên phong là cán bộ, Đảng viên cần phải nâng cao cảnh giác, sự tỉnh táo để luôn luôn nhận diện đúng và phản bác đanh thép các luận điệu xuyên tạc của các phần tử chống phá, tránh sa vào bẫy “diễn biến hòa bình” của chúng. Luôn nâng cao nhận thức về vấn đề phòng, chống tham nhũng và một lòng đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

    Giải pháp cơ bản để nhận diện và phản bác hiệu quả những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng

    Sự chống phá Đảng ta của các thế lực thù địch, các phần tử chống phá có diễn biến ngày càng khó lường. Các hoạt động chống phá ngày càng nhiều và tinh vi hơn. Chính vì vậy, nâng cao sự nhận diện, nâng cao kỹ năng phản bác hiệu quả, thuyết phục trước những luận điệu sai trái, chống phá Đảng là vô cùng cần thiết. Vì xét cho cùng nếu ta có đủ sự tỉnh táo để nhận diện các âm mưu, đủ lý lẽ để phản biện các luận điệu vu khống, thì dù có thế lực thù địch nào cũng không thể làm lung lạc ý chí và tinh thần, sự xói mòn đối với Đảng.

    Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, sinh hoạt về nội dung đấu tranh phòng chống tham nhũng trong cấp ủy, nâng cao công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, nhận thức về phòng chống tham nhũng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến hạn chế trong phòng, chống tham nhũng là do nhận thức yếu kém, lệch lạc của một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên… Nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng sẽ làm cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy khi triển khai thực hiện sẽ nghiêm chỉnh, tích cực, quyết liệt hơn.

    Thứ hai, đảng viên phải tự xây dựng cho mình “hệ miễn dịch” đối với các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt chống phá của các thế lực thù địch về vấn đề phòng, chống tham nhũng. Muốn vậy, phải thường xuyên nghiên cứu, trau dồi các nội dung liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng, từ đó nâng cao nhận thức để nhận diện được những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của kẻ thù. Nếu nhận thức mơ hồ sẽ dễ bị định hướng, dẫn dắt bởi những thông tin tiêu cực đưa đến những hậu quả khôn lường. Càng nhận thức rõ và nắm vững bản chất vấn đề, càng có được sự nhận diện sâu sắc trước những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.

    Thứ ba, nâng cao tinh thần cảnh giác trong tiếp nhận thông tin, cần sàng lọc, nhận diện thông tin đâu là tin mang tính chống phá, xuyên tạc, đâu là thông tin xác thực. Đây là một cách phòng ngừa từ xa, để tránh bị chi phối bởi các hoạt động chống phá thù địch. Hiện nay các hoạt động chống phá diễn ra vô cùng mạnh mẽ và tinh vi, chủ yếu là trên không gian mạng. Việc cảnh giác từ xa tránh tiếp xúc với các thông tin độc hại cũng là một cách không bị chi phối, đặc biệt không chia sẻ hoặc tương tác trên các diễn đàn đó.

    Thứ tư, phát huy vai trò nêu gương của đảng viên, gương mẫu đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Luôn đề cao ý thức trách nhiệm của đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân đảng viên là vô cùng quan trọng. Khắc phục, loại bỏ tình trạng đảng viên vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình. Thực hiện tốt các nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, đặc biệt nguyên tắc phê bình, tự phê bình, thực hiện tốt điều lệ đảng viên…

    Thứ năm, nâng cao tư duy lý luận để phản bác lại các luận điệu bịa đặt, xuyên tạc của kẻ thù, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Trang bị một tư duy lý luận sắc bén là vũ khí hiệu quả nhất để phản bác lại các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch kết hợp với niềm tin tuyệt đối dành cho Đảng, Nhà nước thể hiện bản lĩnh chính trị của một đảng viên. Bản lĩnh chính trị là sự cộng hưởng của các yếu tố: lập trường chính trị, trình độ chính trị, thái độ chính trị, kỹ năng chính trị, dũng khí chính trị của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, điều này cần phải được nuôi dưỡng, được rèn luyện thường xuyên mới có được. Có được bản lĩnh chính trì là có một thành trì kiên cố khó có thế lực đen tối nào có thể lung lay hoặc làm sụp đổ được.

    Nâng cao nhận diện và phản biện các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là góp phần và đấu tranh chống các thế lực chống phá Đảng một cách hiệu quả trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngày càng diễn biến khó lường, khó nhận diện hơn, chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải là một chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng này. Tuy nhiên, để giành được phần thắng mỗi người phải trang bị cho mình nhận thức sâu sắc về vấn đề, nêu cao tinh thần cảnh giác, khả năng lý luận sắc bén và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng.

Tài liệu tham khảo

- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

  1. - Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

- Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Xây dựng cơ chế để “không thể tham nhũng”, “không dám”, “không muốn tham nhũng” và “không cần tham nhũng”; từng bước mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước: https://hcma.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/xay-dung-co-che-de-khong-the-tham-nhung-khong-dam-khong-muon-tham-nhung-va-khong-can-tham-nhung-tung-buoc-mo-rong-phong-chong-tham-nhung-ra-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc-28925.html

Thế giới ấn tượng với công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam: https://vtv.vn/chinh-tri/the-gioi-an-tuong-voi-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tai-viet-nam-20230401200958421.htm

Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Nguồn: xaydungdang.org.vn

- Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Thường Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, https://baochinhphu.vn/phat-bieu-ket-luan-cua-tong-bi-thu-tai-cuoc-hop-thuong-truc-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-102221118185641235.htm

[1] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.141

[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội. tr.56

[3] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr.393

[4] Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Thường Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, https://baochinhphu.vn/phat-bieu-ket-luan-cua-tong-bi-thu-tai-cuoc-hop-thuong-truc-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-102221118185641235.htm

[5] Theo đánh giá chỉ số CPI 2017 của TI

[6] Xây dựng cơ chế để “không thể tham nhũng”, “không dám”, “không muốn tham nhũng” và “không cần tham nhũng”; từng bước mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước: https://hcma.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/xay-dung-co-che-de-khong-the-tham-nhung-khong-dam-khong-muon-tham-nhung-va-khong-can-tham-nhung-tung-buoc-mo-rong-phong-chong-tham-nhung-ra-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc-28925.html
 

Tác giả: Nguyễn Thuỳ Dương - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Sơn La

Thông tin mới nhất

 image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Hình thành và phát triển
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập